Chuyện “tiếp thị” Việt Nam trên đất khách của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc
(ĐTCK) Không ai nghĩ những nơi còn hoang sơ, hạ tầng yếu kém như Quế Võ (Bắc Ninh), Tràng Duệ (Hải Phòng), Quang Châu (Bắc Giang) lại có thể thu hút được các tập đoàn lớn trên thế giới vào đầu tư. Có thể tìm được câu trả lời qua chuyện tiếp thị Việt Nam trên đất khách của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC).
Hơn cả những lời hoa mỹ
Dưới sự tiến cử từ một nhà đầu tư hiện đang hoạt động rất thành công tại tỉnh Bắc Giang là Công ty Vina Solar, Tập đoàn JA Hồng Kông, tập đoàn đứng thứ tư thế giới trong ngành pin năng lượng mặt trời, đã gặp gỡ và đàm phán việc thuê lại đất tại Khu công nghiệp Quang Châu của KBC.
Trong quá trình đàm phán giữa hai bên tại nước ngoài, khi chưa thực sự khảo sát kỹ lưỡng về địa thế và điều kiện của Khu công nghiệp Quang Châu, Tập đoàn JA Solar dự kiến thuê lại 40 ha đất để triển khai dự án. Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch JA Solar cùng chuyên gia phong thủy nổi tiếng của riêng Tập đoàn sang khảo sát khu đất, vị này đã quyết định tăng diện tích đất thuê từ 40 ha lên hơn 88 ha đất khu công nghiệp và 10 ha đất khu dịch vụ công cộng để xây dựng công trình tổ hợp phục vụ sự phát triển lâu dài của dự án (khách sạn, văn phòng, nhà ở chuyên gia, trung tâm thương mại...).
Chủ đầu tư thực hiện với tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, thành lập một trung tâm sản xuất và phát triển ngành pin năng lượng mặt trời lớn nhất tại Bắc Giang. Cuối tháng 11/2016, JA Solar Việt Nam đã khởi công dự án tại Khu công nghiệp Quang Châu.
Một nhà đầu tư lớn khác “chấm” hợp tác với KBC là LGD (thuộc Tập đoàn LG Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, khởi công xây dựng nhà máy trong quý II/2016. Đây là dự án đầu tư thứ hai sau LGE cũng của LG, có tổng giá trị đầu tư 1,5 tỷ USD vào Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng của KBC.
Có thể coi 2016 là một năm khá "bận rộn" của KBC, với hàng loạt các dự án lớn tại các khu công nghiệp như Tràng Duệ (dự án LG Display quy mô 50 ha, tổng vốn 1,5 tỷ USD, LG Innotek quy mô 10 ha, tổng vốn 550 triệu USD), Khu công nghiệp Quế Võ (dự án sản xuất thiết bị an ninh của Tập đoàn Hanwha quy mô 6 ha, tổng vốn 50 triệu USD), Khu công nghiệp Quang Châu (dự án JA Solar quy mô 20 ha, tổng vốn 280 triệu USD; Luxshare ICT quy mô 14 ha, tổng vốn 70 triệu USD)... Ngoài ra là hàng loạt các dự án vừa và nhỏ tại các khu công nghiệp cũng được triển khai và đi vào hoạt động.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị KBC kể rằng, để thu hút được những tập đoàn lớn bỏ vốn vào đây, thời gian lên tới vài năm, nhưng khó có thể đong đếm được những nỗi vất vả.
“Chúng tôi muốn kể câu chuyện của nhiều năm trước, khi khu công nghiệp là khái niệm còn khá mới mẻ, các đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên thị trường mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, khi cái tên KBC còn chưa được doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí là trong nước biết đến”, ông Tâm bắt đầu câu chuyện.
Thời kỳ đầu tiên đó là thời gian KBC liên tục tham gia vào tất cả các hoạt động xúc tiến đầu tư, hội nghị, hội thảo, hội chợ chuyên ngành do các tổ chức xúc tiến đầu tư, các phòng thương mại các nước tổ chức.
Năm 2006, KBC tham gia APEC theo sự tài trợ của Tập đoàn Saigon Invest, qua đây, cái tên KBC đã được hàng ngàn doanh nhân trên thế giới biết đến.
Trong khoảng thời gian từ năm 2006 - 2012, KBC đã tham dự các hội thảo lớn chuyên về xúc tiến đầu tư tại các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Italy... và thu được kết quả rất khả quan.
“Kim chỉ nam” của KBC trong thu hút đầu tư nước ngoài là "kịp thời và hiệu quả". Không tiếp thị và quảng bá một cách hời hợt và dàn trải, KBC luôn nghiên cứu và xác định được đối tượng khách hàng tiềm năng và nhu cầu của thị trường.
Sau khi nghiên cứu thị trường và xác định thị trường mục tiêu, KBC tập trung các nguồn lực để tiếp cận các khách hàng tiềm năng thực tế.
“Chỉ cần nắm bắt nhu cầu, KBC lập tức triển khai, ngay cả việc tức khắc ra nước ngoài gặp gỡ khách hàng trong thời gian nhanh nhất, với tinh thần hỗ trợ cao nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chính nhờ sự "kịp thời" đó mà các dự án KBC theo đuổi đã đem lại hiệu quả nhanh chóng”, ông Tâm kể.
Bên cạnh sự nhạy bén, tinh tường và coi trọng chữ tín trong kinh doanh đã trở thành nét văn hóa của KBC, thành công trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài của KBC còn đến từ sự năng động của Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm và Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thu Hương. Đây là những người đã dày công và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong hơn 20 năm qua, kể từ sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa nền kinh tế.
Lãnh đạo KBC rạng rỡ chia sẻ với nhà đầu tư, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư về những thành công trong năm 2016
Ông Đặng Thành Tâm tham gia và đóng vai trò chủ chốt trong các tổ chức như: Thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, Thành viên tư vấn cao cấp Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO của Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nhật, Thành viên tư vấn Diễn đàn kinh tế thế giới... Trong các buổi tọa đàm với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, ông luôn đem hình ảnh của Việt Nam (trong đó có các doanh nghiệp như KBC) quảng bá đến bạn bè thế giới.
“Một số nhà đầu tư mới đều do chính các khách hàng hiện hữu giới thiệu, điều này có ý nghĩa lớn hơn bất kỳ lời nhận xét hoa mỹ nào”, ông Tâm nói.
Nghề “làm dâu trăm họ”
“Kinh doanh khu công nghiệp hết sức vất vả, chỉ có tình yêu đối với công việc mới có thể làm được”, ông Tâm chia sẻ. Chỉ riêng khâu đền bù, giải tỏa di dời dân, chuyển đổi ngành nghề đã hết sức phức tạp. Phải thuyết phục và chứng minh cho người dân thấy rằng, làm khu công nghiệp là góp phần đem lại cuộc sống ấm no và phát triển đất nước mạnh mẽ hơn…
“Đặc sản” của KBC là đội ngũ nhân sự không kể thời gian, dù là cuối tuần, ngày nghỉ, không kể dự án lớn hay nhỏ luôn theo sát quá trình triển khai của các dự án.
Từ khâu khảo sát đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xin cấp phép đầu tư, đến thành lập doanh nghiệp, xây dựng nhà máy..., KBC luôn sát cánh cùng nhà đầu tư, cùng họ giải quyết tất cả những khúc mắc, khó khăn phát sinh, đảm bảo nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án cho đến khi bộ máy hoạt động của nhà máy tại Việt Nam đã ổn định.
Khi khu công nghiệp này được lấp đầy, KBC lại bắt đầu trở lại một vòng quay mới.
“Nhiều lúc chứng kiến anh em vất vả làm ngày làm đêm, chúng tôi thực sự cảm động và trân trọng. Bên cạnh một công việc để mưu cầu cuộc sống, hẳn mỗi người phải có cái tình như anh chị em trong một gia đình lớn mới gắn bó với nghề, với doanh nghiệp như vậy”, ông Tâm chia sẻ.
Niềm vui cũng nhân lên mỗi khi chứng kiến dàn pháo bông vụt lên, đánh dấu thời khắc một dự án được khởi công. Thu hút thêm được nhà đầu tư là KBC đã góp phần tạo ra được nhiều công ăn việc làm, đóng góp tốt cho quê hương, cho đất nước.
Năm 2017, ngoài việc thu hút các doanh nghiệp vệ tinh, KBC tiếp tục làm việc với các khách hàng tiềm năng đã tiếp xúc trong năm 2016 và lên kế hoạch tiếp cận các dự án, khách hàng tiềm năng mới.
Dù có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không, KBC vẫn đón dòng đầu tư với chiều hướng tích cực. Cơ sở cho nhận định này là nếu Hoa Kỳ chưa tham gia TPP, họ cũng sẽ thực thi chính sách tăng thuế áp lên hàng hoá nhập từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ lên 45% (hiện phổ biến là 2,5%). Bởi vậy, nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc cũng như các nhà đầu tư có ý định đầu tư vào Trung Quốc đã chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.
Các khu công nghiệp của KBC đặt mục tiêu thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trọng tâm là điện, điện tử, công nghệ sạch, tăng trưởng nhưng không đánh đổi, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Liên tục đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài, song KBC có những cam kết về môi trường với các nhà đầu tư.
Những khu công nghiệp coi trọng phát triển bền vững mọc lên trên khắp các vùng đất đã góp phần thay đổi diện mạo, tạo ra sự trù phú cho nhiều vùng quê Việt Nam. Và hành trình của KBC vẫn còn rất dài ở phía trước.
Theo Hoàng Linh (htpp://tinnhanhchungkhoan.vn)