CHỦ TỊCH KBC ĐẶNG THÀNH TÂM ĐỐI THOẠI VỚI CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO KINH TẾ APEC TẠI TUẦN LỄ CẤP CAO APEC 2022

Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 đã được tổ chức tại thủ đô Bangkok, Thái Lan từ ngày 14/11 đến ngày 19/11/2022. Tham dự tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 và tích cực trong các hoạt động của ABAC, đặc biệt là phiên đối thoại giữa ABAC với Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC, đại diện chính thức duy nhất của doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo và đại diện các nền kinh tế thành viên APEC, cũng như có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn tham dự Hội nghị, tạo tiền đề và nhiều cơ hội hợp tác quý báu, hiệu quả với các đối tác lớn cho KBC và các công ty thành viên thuộc Tập đoàn SGI.

Sự kiện quan trọng nhất của Tuần lễ cấp cao APEC là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC diễn ra vào ngày 18/11, với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện 21 nền kinh tế thành viên cùng 3 khách mời đặc biệt của chính phủ nước chủ nhà. Với chủ đề “Rộng mở, kết nối và cân bằng”, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 29 thảo luận 3 định hướng ưu tiên của hợp tác APEC gồm: Cởi mở với tất cả các cơ hội, kết nối trên mọi khía cạnh và cân bằng trên mọi phương diện, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với bền vững môi trường.

Tại phiên đối thoại giữa ABAC với Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, ông Tâm ở table đối thoại với: Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Nhật, đại diện Tổng thống Hoa Kỳ, đại diện nền kinh tế Đài Loan, Phó Tổng thống Chile, đại diện Quốc vương Brunei


Chủ tịch Đặng Thành Tâm – Thành viên ABAC tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Ông Đặng Thành Tâm chụp hình cùng Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các thành viên ABAC

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, Hội nghị của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) cũng đã diễn ra từ ngày 16-18/11. Vai trò chính của ABAC là tư vấn cho các nhà lãnh đạo APEC và quan chức về những vấn đề quan tâm trong lĩnh vực thương mại. Ông Đặng Thành Tâm đã tham dự Hội nghị với tư cách là Thành viên ABAC. Hội nghị ABAC năm nay đặt mục tiêu kết nối lại thế giới với các cơ hội, tham gia vào mô hình chuyển đổi số hóa mới, bền vững và toàn diện, đồng thời tạo thuận lợi cho các mối hợp tác về các ý tưởng, sự sáng tạo và khả năng mới.

Đại diện Tổng thống Hoa Kỳ, ông Đặng Thành Tâm, Thủ tướng Thái Lan – nước chủ nhà APEC 2022

Các doanh nhân tiêu biểu đại diện 21 nền kinh tế tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022

Một hoạt động quan trọng đối với ABAC tại Tuần lễ Cấp cao APEC là phiên đối thoại của các thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) với Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC diễn ra chiều 18/11. Đối thoại là hoạt động được tổ chức thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, để các nhà lãnh đạo lắng nghe các kiến nghị và trao đổi thực chất với cộng đồng doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Phiên đối thoại của ABAC với Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC

Chủ tịch Đặng Thành Tâm tham gia phiên đối thoại giữa các thành viên ABAC với Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC

Trong báo cáo trình lên các nhà lãnh đạo APEC, các thành viên ABAC bày tỏ lo ngại các thách thức lớn về địa chính trị, kinh tế và môi trường đang tác động tiêu cực đến tiến trình hiện thực hoá Tầm nhìn 2040 của APEC. Theo đó, ABAC đã đưa ra nhiều khuyến nghị, nhằm kiểm soát lạm phát, chấm dứt vòng xoáy lương - giá trong ngắn hạn và đẩy nhanh phục hồi kinh tế bền vững. Để có được tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường, APEC cần có cách tiếp cận toàn diện, triển khai đồng thời hợp tác trên các lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng sạch và chuyển đổi số; liên kết và hội nhập kinh tế khu vực; và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nghiệp thích ứng và phục hồi sau đại dịch.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những khuyến nghị và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp vào phục hồi kinh tế sau đại dịch; cho biết sẽ xem xét các đề xuất của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng định hướng hợp tác của APEC, cũng như trong chính sách cụ thể của từng nền kinh tế, nhằm mang lại những kết quả thiết thực hơn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trao đổi tại phiên đối thoại, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ủy ban, nhóm công tác APEC và ABAC cần tăng cường đối thoại, tích cực hợp tác triển khai tầm nhìn dài hạn về thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, củng cố hệ thống thương mại đa phương. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc và luật lệ, với WTO là trung tâm. Trong bối cảnh nhiều cơ chế song phương và khu vực mới được hình thành, WTO vẫn được coi là cơ chế hợp tác đa phương mang tính "nền tảng" giúp duy trì ổn định và bình đẳng trong quan hệ kinh tế thương mại quốc tế, đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững toàn cầu. Chủ tịch nước đề nghị ABAC tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong APEC vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng cho mọi người dân.

Từ ngày 16-18/11, cũng đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) với sự tham dự của hơn 850 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực cùng đại diện của các tổ chức quốc tế. Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris là diễn giả chính của Hội nghị năm nay. 

Phát biểu tại Hội nghị này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ ưu tiên của Việt Nam thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Việt Nam mong muốn thu hút các dự án FDI với công nghệ cao, giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từ thực tiễn của mình, Việt Nam chia sẻ tầm quan trọng của việc “đồng hành cùng doanh nghiệp”, coi doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm, chia sẻ, lắng nghe cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong mọi tình huống; đồng thời đẩy mạnh tạo thuận lợi, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp APEC sẽ nêu cao tinh thần hợp tác, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu vực. Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã khép lại trưa 19/11 với Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm, kết nối toàn diện.