Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm: Cần phải coi lãng phí là quốc nạn

(ĐTCK) Cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để đưa các dự án vào hoạt động hiệu quả, đem lại GDP và công ăn, việc làm cho người dân. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP chia sẻ những tâm huyết và kiến nghị trước thềm cuộc gặp của Thủ tướng với các doanh nghiệp ngày 29/4 tới.

Hạn chế lãng phí, cách nào?

Thủ tướng cần quyết liệt để giải quyết vấn đề tham nhũng và lãng phí, nợ ngân sách quá lớn. Trong đó, đáng e ngại là vấn đề lãng phí ở tất cả mọi nơi và xói mòn lũy tiền bạc ở mọi cấp. Ví dụ, đầu tư cho nhiều chương trình trọng điểm quốc gia, chi phí thường xuyên lãng phí rất lớn, chỉ còn 20% thực sự đi vào thực chất.

Hãy nhìn ngay trong việc đầu tư các dự án hàng ngàn tỷ đồng. Ngân sách có hạn, trong khi các cấp lại quyết định quá nhiều dự án, dẫn đến việc nhiều dự án dang dở từ năm này qua năm khác. Đó là dự án dùng ngân sách, còn dự án của các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, tiền đã đổ ra rất nhiều, nhưng vướng đền bù giải tỏa, vướng quy hoạch chưa được hoàn thiện, vướng thủ tục cấp phép… dẫn đến nhiều ngàn tỷ đồng đổ ra vô cùng lớn mà chưa thu được kết quả. Ngoài ra, đó còn là lãng phí thời gian và nhân lực, khi nhiều công chức “sáng cắp cặp đi, chiều cắp cặp về”, cả ngày chỉ làm việc vài ba tiếng, rồi lãng phí nhân tài…

Để giải quyết vấn đề này, cần nhìn tác hại và tổn thất rất lớn từ sự lãng phí, coi đó là quốc nạn, thì mới thấy được trách nhiệm cần phải đẩy mạnh thủ tục hành chính để đưa các dự án vào hoạt động hiệu quả và nhanh chóng hơn, đem lại GDP và công ăn, việc làm cho người dân.

Nợ ngân sách quá lớn sẽ được giải quyết thông qua việc giảm chi tiêu, giảm đầu tư công, tăng đầu tư dân doanh, cụ thể hóa pháp luật về đầu tư công, khuyến khích tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào đầu tư công... Nhà nước nên giữ vai trò nhà quản lý trung thực và bình đằng, tập trung kiến tạo cơ chế để khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư, đặc biệt chú ý hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công-tư), vì tư nhân họ thường quản lý tốt nên hiệu quả hơn.

 Chú trọng các nguồn vốn dài hạn

Tạo cơ chế chính sách đột phá để phát triển kinh tế, mà DN ngoài quốc doanh, đặc biệt là DN nhỏ và vừa phải là điểm nhấn.  Để quan tâm tháo gỡ việc này, Thủ tướng và nội các đã biết, nhưng cần chính sách cụ thể. Đó là gì? Đó là làm sao để nguồn vốn khơi thông đến được DN nhỏ và vừa, làm sao vay vốn không dựa vào thế chấp, mà dựa vào chứng minh dự án khả thi; làm sao để 80% nguồn vốn vào DN nhỏ và vừa, và 80% DN có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Hiện nay, 80% vốn ngân hàng vào các các DN lớn.

Do đó, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ ủng hộ để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển mạnh, để DN lớn huy động được vốn qua TTCK từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu thưởng, cũng như các loại chứng khoán… Khi DN lớn hoạt động lành mạnh, huy động vốn tốt ở thị trường chứng khoán, thì vốn ngân hàng sẽ được chuyển cho DN nhỏ và vừa.

Một điều hết sức cấp thiết và quan trọng là phải có chính sách mới, cho vay dài hạn tối thiểu từ 7-10 năm, hiện nay vay dài hạn chỉ 5 năm. Chính sách này đang gây rủi ro cho cả ngân hàng và chủ dự án, bởi rất ít dự án mà nhà đầu tư có thể trả nợ cả vốn và lãi sau 5 năm (vì đã mất ít nhất một năm xây dựng dự án). Hiện nay, do nhu cầu đi vay của nhà đầu tư và nhu cầu cho vay của ngân hàng, hai bên phải bắt tay nhau ký hợp đồng tín dụng, đến năm thứ 5 lại bắt tay nhau gia hạn. Bởi vậy, cần quyết liệt để ngân hàng cho vay dài hạn là 7 năm, tức cần có những chính sách rất cụ thể về việc này.

Để cho vay dài hạn 7-10 năm thì tiền gửi của người dân phải gửi dài hạn. Muốn người dân gửi dài hạn thì phải tăng niềm tin trong nhân dân. Nếu Thủ tướng quyết liệt và bằng hành động cụ thể của của mình, để người dân thấy được trái tim Thủ tướng đang đập cùng nhịp đập nền kinh tế, nhân dân sẽ tin tưởng vào Thủ tướng và sẽ giửi tiền dài hạn. Động thái từ khi Thủ tướng nhậm chức đến nay, đã phần nào tạo niềm tin cho nhân dân và DN. Chúng tôi đang rất hy vọng! 

Bình đẳng và minh bạch

Chính sách còn phải tạo ra sự bình đẳng giữa các DN, vinh danh DN, thực sự coi DN là chiến sỹ thời bình, là động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế. Tạo động lực và hình ảnh tốt cho DN và thúc đẩy các cấp, các ngành hỗ trợ DN, bỏ bớt rào cản, bớt định kiến, để DN có môi trường tự tin mà sản xuất kinh doanh. Chính sách hiện nay đã tốt, ra đời theo hiến pháp mới để tạo bước phát triển mạnh mẽ, điều cần thiết là quyết liệt triển khai các bộ luật này vào cuộc sống. Ngoài ra, hiện nay, DN rất sợ công an, vì có thời kỳ mấy năm trước, kinh tế xấu quá, đến 70% DN thua lỗ, không trả nợ được ngân hàng, nên có thể dễ dàng bị khởi tố. Chúng ta cần thực thi những chính sách ngăn ngừa thật tốt, xử lý sai phạm là bước cuối cùng, nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý, áp dụng nhiều biện pháp ngăn ngừa tốt, đương nhiên tội phạm sẽ giảm.

Tôi cũng cho rằng, Thủ tướng cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cổ phần hóa, khi cổ phần phải chặt chẽ và tạo công bằng bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin và tiếp cận mua cổ phần, để cổ phiếu DNNN được bán đúng giá trị, vừa tốt cho Nhà nước, thu được tiền, vừa công bằng đến tay các cổ đông tiềm năng.

Một mặt đẩy mạnh IPO các công ty tốt ở thị trường chứng khoán nước ngoài, một mặt đổi mới Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) theo mô hình Temasek hay GIC của Singapore. Nếu IPO Vietel ở Newyork, trước mắt IPO 49%, Nhà nước vẫn quản lý và kiểm soát công ty, cũng có thể thu về 50 tỷ USD, so với tổng nợ ngân sách gần 3 triệu tỷ đồng (khoảng 130 tỷ USD), số tiền đã xấp xỉ 50% tổng số nợ ngân sách.

Trên tất cả, điều quan trọng nhất là minh bạch của các cấp chính quyền, làm sao tạo được sự minh bạch rõ ràng thì sẽ có chính quyền mạnh, và tự khắc các tiêu cực sẽ mất đi. Sự minh bạch còn thể hiện thông qua việc thực thi các bộ luật một cách công tâm.

 

Theo tinnhanhchungkhoan.vn