Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 19 do Chính phủ Việt Nam và WEF đồng tổ chức đã chính thức khai mạc vào ngày 6/6/2010 tại khách sạn InterContinental Asiana Saigon, TP. Hồ Chí Minh. Với mong muốn Hội nghị được diễn ra thành công tốt đẹp, Tổng Công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã chính thức là nhà tài trợ chính và tài trợ lớn nhất cho Bộ ngoại giao Việt Nam để tổ chức sự kiện quan trọng này.
Tham dự Diễn đàn này gồm Thủ tướng các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy, Phó tổng thư ký OECD, Bộ trưởng kinh tế một số nước, các quan chức cao cấp của các tổ chức tài chính khu vực và quốc tế như ADB, IMF , cũng các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
WEF 2010 về Đông Á dự kiến xoay quanh 4 nội dung chính gồm: vai trò đang lên của châu Á, các rủi ro toàn cầu, chương trình tăng trưởng xanh của châu Á, chương trình tăng trưởng trong tương lai của châu Á.
Hội thảo là diễn đàn để các doanh nghiệp thảo luận và đối thoại trực tiếp với đại diện Chính phủ và các nhà nghiên cứu, nhằm tìm hiểu toàn cảnh bức tranh năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhận định những cơ hội, thách thức và xu hướng tác động tới tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, cũng như vai trò của doanh nghiệp và hợp tác công - tư trong việc nâng cao vị thế cạnh tranh và xây dựng một mô hình phát triển bền vững cho Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Á nói chung.
Tại phiên song song “Đếm ngược tới hội nhập” - một trong những phiên họp nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các đại biểu tham dự do Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) là diễn giả chính. Ông đã đưa ra những ý kiến sắc bén về vấn đề lãnh đạo các nước ASEAN đang và sẽ làm gì để phá bỏ các rào cản thương mại để đẩy nhanh sự lưu chuyển của vốn, thông tin và con người trong tiến trình thành lập cộng đồng chung Đông Á.
Ông Masahiro Kawai - Hiệu trưởng, Giám đốc điều hành Học Viện ngân hàng phát triển Châu Á. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Ông Supachai Panitchpakdi - Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD). Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch KBC (Từ bên phải sang)
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế những năm vừa qua, Việt Nam đã có các chính sách rất tốt, Chính phủ đã đưa ra các gói kích thích kinh tế kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân khá là cởi mở và hoạt động rất năng động. Hệ thống luật cũng như các cơ chế, chính sách được ban hành, đưa ra luôn đảm bảo đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, cũng như doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Supachai Panitchpakdi - Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch KBC, Ông Jose Isidro N. Camacho - Phó chủ tịch Credit Suise. (Từ phải sang)
Ông Tâm phát biểu: "Giới doanh nghiệp chúng tôi quan tâm đến vấn đề phát triển hạ tầng cơ sở ở ASEAN. Câu hỏi đặt ra cho các Chính phủ trong khu vực là phải làm sao để cải thiện mức đầu tư cho phát triển hạ tầng, làm sao cho quá trình luân chuyển vốn trong ASEAN tốt hơn. Hội nhập khu vực, không chỉ là hội nhập kinh tế, hội nhập thị trường tài chính, mà còn cần sự hội nhập thị trường lao động khu vực".
Ngoài việc KBC là nhà tài trợ chính của WEF, tối ngày 6/6/2010, KBC còn là nhà tài trợ chính cho Gala Dinner của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chiêu đãi các Lãnh đạo và đại biểu tham dự WEF lần này. Đây là bữa tiệc đặt biệt nhất của nước chủ nhà Việt Nam với sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp các vị khách quý là Thủ tướng Nước CHDCND Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Mianma Thein Sein, Chủ tịch WEF, Tổng thư ký Asean, OECD, các Đại sứ…
Đặc biệt hội nghị lần này thu hút sự tham dự trực tiếp của các vị chủ tịch, tổng giám đốc của các công ty lớn trên thế giới và cả hàng trăm Tổng giám đốc quỹ đầu tư lớn quốc tế. Trong số các đại biểu tham dự hội nghị này có trên 50% là đến Việt Nam lần đầu tiên, chứng tỏ sức hấp dẫn rất lớn của Việt Nam. Hội nghị toát lên một vấn đề nổi cộm là đồng vốn chạy từ Tây sang Đông và dòng đầu tư sẽ đổ vào Asean trong đó Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn.
Trong ngày, ông Tâm cũng đã làm việc riêng với 5 đoàn doanh nghiệp lớn trên thế giới và đã đạt được một số thỏa thuận rất quan trọng với kết quả hết sức phấn khởi.
Trao đổi cùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, Giáo sư Klaus Schwab – Chủ tịch WEF
Trao đổi với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải
Ông Đặng Thành Tâm trao đổi cùng Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch TP Hồ Chí Minh
Ông Đặng Thành Tâm và Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch World Economic Forum.
Ông Đặng Thành Tâm và Ông Victor L.L. Chu – Chủ tịch First Eastern Investment Group
Ông Đặng Thành Tâm dự phiên họp khai mạc
Chiều 5/6/2010, tại TP.HCM, cũng nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (WEF), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (ACI) và Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu tại Việt Nam (GCNV) đã tổ chức Hội thảo bên lề với chủ đề: “Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam hướng tới phát triển bền vững”. Ông Đặng Thành Tâm là diễn giả tại Hội thảo.
Xoay quanh chủ đề “Nâng cao vai trò của khu vực doanh nghiệp trong phát triển bền vững”, ông Đặng Thành Tâm đã đề cập đến vấn đề làm sao để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn lực và phát huy năng lực nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh, theo đó tối đa hóa sự đóng góp vào mục tiêu tổng thể của việc phát triển bền vững tại Việt Nam. Theo ông Đặng Thành Tâm, hiện nay Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ông cho rằng, việc khủng hoảng kinh tế thế giới không hẳn chỉ gây khó khăn cho doanh nhiệp mà còn là cơ hội nếu ta biết nắm bắt. Trong những năm qua, KBC đã thu hút nhiều đối tác tên tuổi trên thế giới như: Canon, Sanyo, Foxconn, Mitac, Nippon Steel… đầu tư vào Việt Nam. Như vậy, nhìn nhận ở khía cạnh khác, nếu biết khai thác, tận dụng và đón đầu cơ hội thì doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển bền vững.
Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, hiện nay, Chính phủ đã cho phép các trường Đại học tự soạn thảo chương trình giảng dạy, do đó, theo ông Đặng Thành Tâm, đây chính là cơ hội để cải thiện chất lượng chương trình đào tạo trong nước, các trường phải linh hoạt tìm hiểu và học hỏi chương trình đào tạo hiện đại, tiên tiến trên thế giới để có thể phát triển nguồn nhân lực năng động, tư duy sáng tạo, theo kịp sự phát triển chung của xã hội. Hiện nay, thành viên của KBC là Trường Đại học Hùng Vương đang từng bước cải thiện và áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến nhất.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những đóng góp và chia sẻ của các thành viên tham gia; đặc biệt là ý kiến đóng góp của các diễn giả. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các vấn đề thảo luận sẽ được trình Chính phủ xem xét.
Ngày mai, 07/6/2010, Diễn đàn sẽ tiếp tục với các phiên quan trọng như: “Đối tác vì sự phát triển bền vững: Năm của những con hổ xanh?”; “Châu Á sẽ chi tiêu như thế nào khi không có hệ thống an sinh xã hội?”; “Thế hệ tài năng tiếp theo của Châu Á…”