Năm 2014 thị trường địa ốc có nhiều biến động, tuy nhiên, những nhân vật được cho là có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường đều là những gương mặt quen thuộc trong giới địa ốc.
Tóm tắt:
-Trong giới địa ốc, những nhân vật được cho là có tầm ảnh hưởng đến thị trường năm nay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bất động sản vẫn là những cái tên quen thuộc trong cơ quan quản lý nhà nước cùng những ông chủ tiếng tăm từ các tập đoàn, công ty lớn về bất động sản:
-Những nhân vật lớn trong lĩnh vực bất động sản từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn lớn về bất động sản vẫn được đánh giá là có sự ảnh hưởng lớn đến thị trường.
1.Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Sau 3 năm ngồi trên chiếc ghế “nóng” tại Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cùng với Bộ Xây dựng đã hoàn thiện một hệ thống văn bản pháp luật sửa đổi về đất đai đồ sộ. Nhiều bộ luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định 188 (phát triển nhà xã hội)…
Cùng với những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường đã và đang phát huy tác dụng mở ra một chu kỳ mới cho thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá là còn non trẻ và nhiều chính sách mới được thông qua, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tiếp tục cho thấy là nhân vật có tầm quan trọng với thị trường BĐS hiện nay.
2. Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Không còn phải đối diện với những vấn đề nhức nhối về thanh khoản, xáo trộn vàng – đô trong 2013, nên Thốc đốc Bình cùng Ngân hàng Nhà nước đã có 1 năm làm được nhiều việc hơn. Với các chỉ tiêu vĩ mô ổn định, Thống đốc Bình đã có 2 lần quyết định giảm lãi suất tiết kiệm xuống 6% và 5,5% trong 2014.
Theo đó, mặt bằng lãi vay đối với các doanh nghiệp bất động sản cũng về mức phù hợp hơn, dòng vốn được bơm trở lại thị trường BĐS thể hiện ở con số dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 14% trong năm qua, mức cao nhất trong các lĩnh vực.
Năm 2014, Thống đốc tiếp tục nới lỏng điều kiện cho vay đối với gói 30.000 tỷ như mở rộng ngân hàng cho vay, đối tượng cho vay, không hạn chế loại bất động sản đủ điều kiện vay (chỉ cần Hợp đồng có giá trị dưới 1,05 tỷ)…
3. Ông Phạm Nhật Vượng –Chủ tịch Vingroup
Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vingroup. Hiện tập đoàn này đang là nhà phát triển dự án bất động sản hàng đầu Việt Nam, tổng doanh thu 2013 hơn 24.949 tỷ, 9 tháng 2014 tập đoàn này đạt doanh thu ấn tượng hơn 22.769 tỷ, tổng tài sản tính đến quý 3/2014 hơn 82,791 tỷ,…Ông Phạm Nhật Vượng được Forbes bình chọn là tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam.
Trong những năm tới, ông Phạm Nhật Vượng sẽ tiếp tục để lại dấu ấn với hàng loạt dự án mới như Vinhomes Central Park, Masteri Thảo Điền ( tại Tp.HCM), Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, cùng chuỗi dự án nghỉ dưỡng Vinpearl Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,…
4. Ông Đặng Thành Tâm –Chủ tịch Saigon Invest
Năm 2014 dường như đã đem lại niềm vui hơn cho ông Đặng Thành Tâm cũng như hệ thống các công ty thành viên của Tập đoàn Saigon Invest. Bởi dòng vốn FDI đang tăng trở lại, trong đó BĐS công nghiệp đang thu hút được nhiều tập đoàn lớn như Sam Sung,LG…Ông Đặng Thành Tâm lại được biết đến như một doanh nhân tiên phong về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng ở VN. Dự kiến ốn FDI đăng ký vào 11 KCN do KBC quản lý sẽ đạt 2 tỷ USD vào 2015.
Dòng vốn FDI được dự báo sẽ tiếp tục có xu hướng tăng khi TPP được ký kết. Đây cũng chính là cơ hội để ông Tâm bứt phá, trở thành một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng trong phân khúc này.
5. Ông Nguyễn Anh Tuấn –Tổng Giám đốc Viglacera
Quỹ đất của Viglacera đang cạn dần, tuy nhiên, Viglacera đang “đặt cược” vào cổ phần hóa để có nguồn vốn dồi dào cho chu kỳ mới của thị trường địa ốc. Nếu đúng như vậy thì đó là một nước cờ thông minh và có toan tính của những bộ óc đầy kinh nghiệm của Viglacera. Nhưng đến nay, dường như kết quả IPO lại không được như mong đợi khi chỉ bán thành công 19,47 triệu cổ phiếu, tương đương 200,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với tài năng chèo lái của mình, ông Tuấn đã đưa Viglacera trở thành đơn vị tiên phong phát triển nhà xã hội. Cả nước 2014 hoàn thành 18.000 căn, trong đó tại Hà Nội là 8.000 căn thì riêng Viglacera đã thực hiện khoảng 5.000 căn (Đặng Xá 3.500 căn). Cùng với đó là việc bán thành công gần 1000 căn hộ cao cấp Thăng Long Number One. Ông Tuấn vẫn đang cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của mình với thị trường bất động sản.
6. Ông Phan Thành Huy –Tổng Giám đốc Novaland
Thâu tóm dự án “treo” để hồi sinh những dự án này là hoạt động đáng nể nhất trong năm qua của ông Nguyễn Văn Huy. Trong hơn 1 năm qua ông Huy thâu tóm khoảng 15 dự án, với tổng số vốn đầu tư của các dự án này lên đến hàng tỷ đô la.
Việc rót vốn đầu tư, tái khởi động lại dự án từ đầu năm đến nay Novaland đã bán ra khoảng 3.000 sản phẩm. Nhiều dự án khác mà Novaland mới thâu tóm, dự kiến sẽ có hàng nghìn sản phẩm nữa được đưa ra thị trường, cho thấy ông Huy tiếp tục có sức ảnh hưởng lớn trong những năm tới.
7. Ông Lê Thanh Thản –Ông chủ Tập đoàn Mường Thanh
Khó có thể hình dung có một đối thủ xứng tầm nào trong phân khúc nhà ở bình dân tham gia cuộc đua song mã với Mường Thanh. Một số chủ đầu tư bắt đầu nhận ra “mô hình” của ông chủ Mường Thanh, nhưng đây không phải là một mô hình dễ đi theo.
Đã có hàng nghìn căn hộ từ các dự án như Đại Thanh, Kim Văn Kim Lũ và khu Linh Đàm được bán ra thị trường, được người mua nhà đón nhận. Điều đó cho thấy sự hợp lí trong giá cả của sản phẩm mà ông Thản đang phát triển.
8. Ông Dương Công Minh – Chủ tịch Him Lam
Dù ông Dương Công Minh đang có chiến lược đầu tư mạnh cho cây công nghiệp mắc –ca với số vốn lên tới 20.000 tỷ, nhưng ông chủ tập đoàn Him Lam vẫn có sức ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực bất động sản với nhiều hoạt động kinh doanh “kích hoạt” thị trường bằng nhiều dự án như Him Lam Tân Hưng, Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, hợp tác với tập đoàn Aeon đầu tư dự án Aeon Mall tại Long Biên,…
9. Ông Lương Trí Thìn – Chủ tịch Đất Xanh
Ông Lương Trí Thìn được biết tới là người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực địa ốc. Năm 2014, ông Lương Trí Thìn được ghi nhận có sức ảnh hưởng tới khá lớn tới thị trường khi phần lớn sản phẩm bất động sản được giao dịch qua Đất Xanh. Đã có khoảng 8.800 giao dịch thành công trên cả nước, mục tiêu 2015 ông Thìn đặt ra là khoảng 10.000 sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Lương Trí Thìn cũng không quá lạc quan với thị trường khi cho rằng vấn đề khó khăn cũng chỉ mới giải quyết được 70%. Thị trường ấm lên chỉ thể hiện qua vài dự án, chưa phải tốt hết ở tất cả các dự án, đồng đều các dự án.
10. Ông Nguyễn Trung Vũ –Chủ tịch CEN group
Năm 2014, CEN Group cũng nổi lên là một đơn vị phân phối bất động sản lớn của thị trường với khoảng 4.000 sản phẩm giao dịch thành công, tăng trưởng gấp 3 lần so với 2013. Doanh thu từ hoạt động dịch vụ 2014 đạt 200 tỷ. Tiếp tục mở rộng kinh doanh là mục tiêu của ông Nguyễn Trung Vũ trong năm sau, đặc biệt là quy mô nhân sự kinh doanh nhằm chiếm lĩnh thị trường môi giới BĐS tại Hà Nội, và doanh thu dự kiến đạt khoảng 500 tỷ đồng, có thêm khoảng 5-7 Siêu Thị Dự Án (STDA).
Năm 2014 là năm thể hiện sức mạnh của nhiều ông chủ lừng danh trong giới địa ốc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều gương mặt mới đang dần lộ diện trong thời gian tới như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (VID Grourp), ông Trịnh Văn Quyết (FLC Group) và ông Trần Đăng Khoa (Công ty Đại Quang Minh)…sẽ góp thêm vào sự phát triển của thị trường BĐS 2015.
Gia Bảo
Theo Infonet