(GDVN) - Để xây dựng được Cảng hàng không quốc tế hiện đại, cần phải trả lời bằng được hai câu hỏi: Vốn từ đâu? Đầu ra thế nào?
Trao đổi riêng với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm (đoàn TP.HCM) cho biết, ông đã gửi ý kiến về việc xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế tới Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu TP HCM. Ông Đặng Thành Tâm nhận định, Việt Nam cần có một Cảng Hàng không Quốc tế trong tương lai nhưng không nên xây dựng ở Long Thành.
- Theo ông, để triển khai được dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành thì cần căn cứ vào những yếu tố nào?
Ông Đặng Thành Tâm: Trước hết, tôi khẳng định là Việt Nam thực sự cần có một sân bay lớn mang tầm quốc tế, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Tôi là một doanh nhân, cho nên khi quyết định đầu tư vào bất kỳ dự án nào cũng chú ý tới hai vấn đề chính, đó phải là những đánh giá khoa học:
Thứ nhất là đầu ra, tức là tốc độ tăng lượng khách qua các năm tại sân bay Long Thành thế nào? Trong đề án đã đề cập tới sự tăng trưởng của hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất công với dự đoán ở sân bay Long Thành sẽ thành sân bay trung chuyển quốc tế cho khu vực. Nhưng chỉ có tốc độ gia tăng hành khách qua các năm sử dụng số liệu sân bay Tân Sơn Nhất là có cơ sở khoa học, còn khách tăng do trung chuyển thì chưa có cơ sở khoa học.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm đề nghị xây dựng Cảng hàng không Quốc tế tại Cần Giờ (TP.HCM) thay cho Long Thành (Đồng Nai).
Vì sao như vậy? Tôi xin chỉ rõ ba lý do: Ba sân bay ở Bangkok, Hong Kong, Singapore là các sân bay quốc tế lớn và là sân bay trung chuyển rất tốt, nằm bao xung quanh sân bay Long Thành với thời gian bay dưới 2 tiếng; Các hãng hàng không đã ký hợp đồng lâu dài với các sân bay này nên không dễ dàng chuyển đi về sân bay Long Thành; Năm 2013 khách du lịch quốc tế vào Bangkok một năm là 26,7 triệu lượt; HongKong là 55 triệu lượt; Singapore là 17 triệu… giúp 3 sân bay này thành các sân bay nhộn nhịp và trung chuyển rất hoàn hảo.
Hiện nay, chúng ta chưa có kế hoạch nào thật sự tốt để thu hút được khách du lịch quốc tế, có Đại biểu Quốc hội đã nói ở nghị trường là chỉ có 7% du khách muốn trở lại Việt Nam. Giữ được sự ổn định đã khó, muốn tăng trưởng còn khó hơn, trong khi các quốc gia xung quanh thì đang làm rất tốt. Cách đây 3 kỳ họp, khi Chủ tịch Quốc hội hỏi Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh là liệu ngành du lịch Việt Nam có phấn đấu vượt qua được Thái Lan không thì Bộ trưởng chỉ nói rằng “liệu cơm gắp mắm” chứ không dám hứa. Quả thật, với tình hình du lịch hiện nay thì Việt Nam còn lâu mới theo kịp Thái Lan.
Vấn đề thứ hai là nguồn vốn: Đến nay dự án tính sơ bộ là gần 19 tỷ USD nhưng dường như chỉ mới đưa ra được phần đầu tư vốn Nhà nước, coi như phần này là có và dự kiến đền bù lên đến hơn 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần còn lại ngoài ngân sách khoảng 13 tỷ USD chưa chứng minh được nguồn vốn.
Tính toán một cách khoa học cho dự án và đặt ra những câu hỏi cần phải trả lời về vốn và đầu ra như tôi vừa phân tích rất cần có thời gian, và ngay cả khi dự án triển khai thì cũng phải mất nhiều năm mới hoàn thành được, vì yêu cầu kỹ thuật của một sân bay quốc tế hiện đại là rất cao. Vì vậy, trong lúc chưa đủ nguồn lực để làm một dự án như vậy thì buộc phải mở rộng và có giải pháp tối ưu để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất.
- Vậy ông có giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn trên, nhằm xây dựng thành công một Cảng hàng không quốc tế?
Ông Đặng Thành Tâm: Tôi đề nghị xem xét lại việc chọn vị trí xây dựng sân bay Long Thành. Theo tôi thì nên chuyển dự án sân bay Long Thành với quy mô tương tự sang sân bay Cần Giờ (thuộc TP.HCM), vì nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích:
Thứ nhất, tiết kiệm được hơn 20 nghìn tỷ đồng tiền đền bù, vì đất ở Cần Giờ là đất chủ yếu do Nhà nước quản lý. Chính phủ chỉ cần sử dụng ngay số tiền hơn 20.000 tỷ đồng tiết kiệm này cũng đã xây dựng được khá nhiều công trình mặt đất của sân bay, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Cần Giờ.
Diện tích khu vực Cần Giờ rộng hơn 70 nghìn héc-ta và có thể chọn lựa khu vực nào thuận tiện nhất để quy hoạch lên tới 20 nghìn héc-ta, ngoài việc phát triển sân bay quốc tế quy mô lớn còn phát triển đô thị đi kèm và tiến tới phát triển Cần Giờ trở thành đặc khu kinh tế của Việt Nam để thu hút đầu tư quốc tế và trong nước.
Cần chú ý rằng 20 nghìn héc-ta này lớn hơn diện tích nội thành TP.HCM hiện nay, do vậy sẽ đáp ứng nhu cầu mở rộng và phát triển trong vài chục năm nữa của cả TP Hồ Chí Minh, vùng Đông và Tây Nam Bộ với dân số 5-6 triệu người, trong khi đó vẫn duy trì được 50 nghìn héc-ta cây xanh chính tại Cần Giờ để bảo vệ sinh quyển.
Thứ hai, không ảnh hưởng hiện hữu và không xáo trộn đời sống của hàng nghìn người dân hiện đang sống ở Long Thành sẽ phải di dời đến nơi ở mới, tránh được những vấn đề phức tạp khi bố trí tái định cư.
Thứ ba, giúp toàn bộ khu vực Cần Giờ trong tương lai với hơn 70 nghìn héc-ta sẽ thành một đặc khu kinh tế cực kỳ phát triển, đáp ứng quỹ đất và môi trường sống cho vài chục năm tiếp theo. Tạo ra quỹ đất lớn với đầy đủ hạ tầng thuận tiện giao thông để thu hút đầu tư trực tiếp xây dựng các đại công trường công nghệ cao và phát triển dịch vụ từ trung tâm tài chính ngân hàng đến phát triển du lịch. Đặc biệt, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản tại đây giúp Nhà nước thu về nhiều tỷ đô la để bù chi phí xây dựng hạ tầng và sân bay.
Đặc khu kinh tế Cần Giờ sẽ đem lại lợi ích to lớn, lâu dài và bền vững cho đất nước Việt Nam. Đồng thời vẫn giữ được môi trường sinh thái, vì mật độ xây dựng thấp.
Đại biểu Đặng Thành Tâm cho rằng, trong thời gian nghiên cứu và đầu tư một cảng hàng không quốc tế hiện đại thì vẫn cần nâng cấp cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Thứ tư, điều đặc biệt may mắn là hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long An… trong đó có cầu lớn kết nối với Long Thành, Đồng Nai với Cần Giờ, kết nối Cần Giờ với TP.HCM qua Cầu Bình Khánh, kết nối đến Long An và qua đó kết nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Như vậy, sân bay Cần Giờ sẽ không chỉ giúp các tỉnh miền Đông Nam Bộ phát triển mà còn giúp các tỉnh miền Tây Nam Bộ phát triển. Từ trung tâm TP.HCM, các tỉnh miền Đông, miền Tây chỉ mất 1 giờ xe chạy trên cao tốc là tới sân bay Cần Giờ. Ngược lại, sân bay Long Thành nằm ở trung tâm miền Đông nên chủ yếu chỉ có lợi cho các tỉnh vùng này.
Tuy nhiên nếu dự án triển khai tại Cần Giờ, có một số yếu điểm cần tính đến, đó là: Một là nền đất yếu, nhưng đây là vấn đề hoàn toàn có thể khắc phục được với kỹ thuật hiện đại của ngành giao thông hiện nay. Chúng ta thấy rằng Nhật Bản và HongKong còn lấn biển để xây dựng sân bay; Hai là chưa có đường giao thông và cầu để kết nối vì đang xây dựng đường và cầu; Ba là không có dân để tạo lực lượng lao động, giải pháp là giãn dân ở TP.HCM và các vùng lân cận di dân dần về đó làm việc và sinh sống.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.